Khi dạo một vòng trên các mạng xã hội, sẽ không ít lần tôi bắt gặp các tiêu đề như vậy từ một số trung tâm. Tự dưng tôi nghĩ trong lúc ANTL đang là một ngành mới có vẻ được chú ý tại Việt Nam hiện nay, thì có bao nhiêu người thực sự hiểu đúng và đủ về công việc của 1 chuyên viên ANTL, ngoài chuyện giúp trẻ bật âm?
Hay có bao nhiêu người thực sự biết rằng ANTL không phải chỉ là 1 chương trình điều trị cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển, mà còn là tên gọi cả 1 ngành nghề, như nghề bác sĩ, kỹ sư, vật lý trị liệu, y tá?
Chuyên viên âm ngữ/ngôn ngữ trị liệu thường có cái tên tiếng Anh là speech language therapist/pathologist (viết tắt ST/SLT/SLP). Ngành ANTL (speech language pathology hay communication disorders) là 1 ngành học được đào tạo chính quy ở các nước phát triển, tách biệt rõ ràng với các ngành học khác như tâm lý học, vật lý trị liệu, giáo dục mầm non, giáo dục đặc biệt, v.v....
Ở Mỹ, chuyên viên ANTL phải học 4 năm Đại học và 2 năm Thạc sĩ, sau khi ra trường đi làm ít nhất 9 tháng toàn thời gian có giám sát thì mới được cấp Chứng chỉ Năng lực Lâm sàng (Certificate of Clinical Competence) từ Hiệp Hội Ngôn ngữ, Lời nói Thính Học Hoa Kỳ (ASHA). Bên cạnh đó, chuyên viên ANTL tùy vào nơi sinh sống và làm việc mà phải nộp đơn xin giấy phép hành nghề tiểu bang thì mới chính thức được hành nghề.
Vậy thì chuyên viên ANTL ra trường là để dạy trẻ bật âm?
Nói vui thì trong ngành chúng tôi hay đùa với nhau là đúng, chúng tôi có dạy trẻ bật âm. Nhưng đó chỉ là 1 mảng rất nhỏ trong phạm vi hành nghề (scope of practice) của 1 chuyên viên ANTL.
Cái tên ngành âm ngữ trị liệu tiếng Việt hay speech language pathology ở tiếng Anh theo bản thân tôi cũng chưa phản ánh hết được đầy đủ những gì chuyên viên ANTL có thể làm/đã được đào tạo trong 1 chương trình học theo tiêu chuẩn.
Theo định nghĩa từ website của ASHA, thì chuyên viên Âm ngữ trị liệu (ANTL) được định nghĩa là "1 nhà chuyên môn cung cấp dịch vụ chuyên môn trong các lĩnh vực về GIAO TIẾP và NUỐT xuyên suốt vòng đời. GIAO TIẾP và NUỐT là 2 thuật ngữ rộng bao gồm rất nhiều khía cạnh khác nhau.
GIAO TIẾP bao gồm việc tạo âm lời nói, tính trôi chảy (của lời nói), ngôn ngữ, nhận thức, giọng, tính cộng hưởng (thường là về giọng) và thính lực/nghe.
NUỐT bao gồm tất cả các khía cạnh của việc nuốt, bao gồm cả các hành vi ăn uống có liên quan (related feeding behaviors)."
Trong định nghĩa đưa ra bởi ASHA thì chuyên viên ANTL cung cấp dịch vụ cho các đối tượng xuyên suốt vòng đời? "Xuyên suốt vòng đời" ở đây có nghĩa là gì?
Hiểu một cách đơn giản là chuyên viên ANTL được đào tạo theo 1 CHƯƠNG TRÌNH THEO TIÊU CHUẨN ĐẦY ĐỦ (xin nhấn mạnh ở chỗ này vì hiện tại ở Việt Nam không phải chương trình đào tạo ANTL nào cũng đào tạo theo chuẩn đầy đủ hết các phạm vi trong ANTL) sẽ có thể làm việc được với tất cả các đối tượng từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người lớn đến người già. Điều này nằm trong phạm vi đào tạo của ngành ANTL.
Trong lúc hành nghề, 1 chuyên viên ANTL có thể sẽ có hứng thú, kiến thức và kỹ năng lâm sàng đối với những mảng chuyên biệt khác nhau. Từ đó sẽ có trường hợp 1 chuyên viên ANTL có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức làm việc với trẻ em hơn là người lớn và ngược lại. Hoặc 1 chuyên viên ANTL sẽ có chuyên môn sâu hơn về trị liệu âm ngữ/ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, trong khi 1 chuyên viên ANTL khác sẽ có chuyên môn sâu hơn về trị liệu âm ngữ/ngôn ngữ cho người lớn, các đối tượng gặp khó khăn về giao tiếp, nuốt hay ngôn ngữ sau tai biến, chấn thương đầu, v.v...
Tôi viết bài này cũng như giới thiệu thông tin tham khảo từ ASHA không phải để đề cao ngành ANTL, mà chỉ muốn người đọc hiểu thêm về 1 ngành nghề, như bất kỳ 1 ngành nghề nào khác trong xã hội.
Người viết: Thành Cerreto
Thạc sĩ Âm ngữ/Ngôn ngữ trị liệu
Email: antl.thanhcerreto@gmail.com
Nguồn tham khảo: Scope of Practice in Speech-Language Pathology. (n.d.). Retrieved from https://www.asha.org/policy/sp2016-00343/